Đoàn đã đến thăm Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên tại thành phố Pleiku. Đây là công trình văn hóa có ý nghĩa to lớn, là món quà mà Đảng, Nhà nước tặng cho Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Gia Lai, các tỉnh Tây Nguyên nhân dịp Đại hội Đảng bộ tỉnh Gia Lai, thể hiện tình cảm của Đảng, của Bác với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên và cũng là tấm lòng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đối với Đảng, đối với Bác.

Tiếp đó, Đoàn đã đến thăm công trình thủy điện IALY. Công trình Thuỷ điện là bậc thang thứ ba - bậc thang lớn nhất trong tổng số 9 bậc thang thủy lợi - thủy điện trên sông Sê San - một chi lưu lớn của sông Mê Công. Công trình đầu mối Thủy điện Yaly nằm trên địa bàn Xã Yaly, huyện ChưPảh tỉnh Gia Lai. Phần lớn lòng hồ nằm trên địa bàn huyện Sa Thầy tỉnh KonTum.

Đoàn đến thăm di tích lịch sử Quốc gia Ngục Kon tum. Nhà ngục được Pháp xây dựng năm 1930, nằm ở phía bắc sông Đắk Bla, thuộc địa phận tổng Tân Hương, tỉnh Kon Tum (nay là thành phố Kon Tum). Tại Ngục Kon Tum, tháng 9/1930, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Kon Tum được thành lập, do đồng chí Ngô Đức Đệ làm bí thư. Ngục Kon Tum là nơi giam giữ tù chính trị bị địch đưa từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế về, đồng thời cũng là nơi cung cấp nhân công khai phá miền cao nguyên, mở đường 14. Tại Ngục Kon Tum đã từng nổ ra nhiều cuộc biểu tình của các chiến sĩ cộng sản, điển hình là cuộc biểu tình 12/12/1931 để phản đối việc bắt tù nhân đi làm đường ở Đắk Pok trong điều kiện vô cùng cực khổ. Cuộc biểu tình đã bị đàn áp làm 8 người chết, 8 người bị thương. Đến 16/12/1931, cuộc biểu tình chuyển sang biểu tình tuyệt thực. Để che đậy chính sách vô nhân đạo và tẩy sạch dấu vết cuộc đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng, tháng 12/1935, nhà ngục được lệnh đóng cửa. Ngày 16/11/1988, được công nhận là di tích lịch sử.

Thăm cột mốc biên giới cột mốc biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia được khởi công ngày 29/11/2007, khánh thành ngày 18/01/2008 và được ký tại Hiệp ước xác định giao điểm đường biên giới giữa nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Vương quốc Campuchia và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào ngày 26/8/2008 tại Hà Nội. Đây là một minh chứng về sự hoà bình và tình hữu nghị anh em của 3 nước Đông Dương. Trong tâm thức người Việt Nam, biên giới là một nơi linh thiêng, ngoài ranh giới pháp lý về lãnh thổ, nơi đó lưu lại chứng tích, công lao dựng nước và giữ nước của tổ tiên, đặc biệt nơi đây - Vùng tam biên, cột mốc biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia, nơi tiếng gà gáy 3 nước cùng nghe, nơi mà với 120 bậc tam cấp và 100 bước chân chúng ta có thể đi vòng qua 3 nước. Vị trí cột mốc nằm ở độ cao 1.086m, phía Việt Nam là tỉnh Kon Tum, phía Lào là tỉnh Attapư, phía Campuchia là tỉnh Ratanakiri, cách cửa khẩu quốc tế Bờ Y 10km, cách thành phố Kon Tum 90km.

Mỗi điểm đến của chuyến đi sẽ là nguồn tư liệu quý báu giúp các thành viên trong Đoàn lồng ghép vào bài giảng để tạo hứng thú cho các bạn sinh viên trên giảng đường.

Dưới đây là một số hình ảnh của chuyến đi thực tế.