Lãnh tụ V.I.Lê-nin - Ảnh: Sputnik

Năm 1903, khi chuẩn bị cho Đảng bước vào thời kỳ giành chính quyền (năm 1917), V.I.Lê-nin đã nhận định như sau: “Đảng ta chỉ mới đang hình thành, đang tạo nên bộ mặt mình và còn xa mới thanh toán được hết những xu hướng khác của tư tưởng cách mạng, những xu hướng đang có cơ làm cho phong trào đi chệch con đường đúng đắn”(1).

Từ năm 1903 đến năm 1921, nếu cộng trước đó 7 năm thì như V.I.Lê-nin nói: 25 năm trôi qua “nhờ hành động của mình, Đảng mới giành được vai trò, lực lượng và danh hiệu “đội tiên phong” của giai cấp cách mạng”(2), và đã trở thành đảng cầm quyền. Song, cùng với sự vận động và phát triển của nó, Đảng Cộng sản (b) Nga đã “thành hình” và “tạo nên bộ mặt mình” như thế nào? Vì sao đến năm 1921, V.I.Lê-nin lại phải đặt ra vấn đề thanh đảng?

Một là, Đảng đã trưởng thành trong chiến tranh. Lòng trung thành với lý tưởng và nhiệt tình những người cộng sản đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lãnh đạo nhân dân đập tan chế độ cũ và các thế lực phản động, thiết lập chính quyền mới do Đảng lãnh đạo. Thành quả cách mạng, chiến công mà “mấy chục nước châu Âu phải chiêm ngưỡng”, uy tín và vị thế của đảng cầm quyền đã đương nhiên định vị chức quyền cho những người cộng sản. Nhưng trong vòng 3, 4 năm cầm quyền lãnh đạo xây dựng đất nước thì:

1. Trong một cuộc thí nghiệm “chuyển ngay sang việc sản xuất và phân phối cộng sản chủ nghĩa”(3) trái với những hiểu biết mà trước đây chính những người cộng sản đã đạt tới khi nhận định về bước quá độ từ CNTB lên CNXH. Thất bại đó biểu hiện ở phía thượng tầng của nó, bị tách rời cơ sở, không phát triển được lực lượng sản xuất. Chế độ trưng thu lương thực thừa ở nông thôn, xây dựng thành thị một cách trực tiếp theo chủ nghĩa cộng sản làm cho sản xuất đình đốn là nguyên nhân chủ yếu gây nên cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị sâu sắc vào năm 1921. Chính V.I.Lê-nin với tinh thần dũng cảm và sáng suốt đã tự nhận “đứng về mặt đường lối và chính sách của chúng ta mà xem xét... thì không thể gọi một cách nào khác hơn là một sự thất bại rất nặng nề và một sự rút lui rất nghiêm trọng”(4).

2. Đảng đứng trước những kẻ thù hoàn toàn mới. Đó là cảnh đình đốn hằng ngày của nền kinh tế trong một nước tiểu nông mà đại công nghiệp bị tàn phá. Đó là thế lực tự phát tiểu tư sản bao vây Đảng và thâm nhập nặng nề vào hàng ngũ của giai cấp vô sản. Trong khi đó, giai cấp vô sản “bị lạc ra khỏi quỹ đạo của giai cấp mình”. Các công xưởng và nhà máy đều đình đốn, giai cấp vô sản bị suy yếu, phân tán và không có sức lực. Thế lực tự phát tiểu tư sản trong nước thì lại được sự ủng hộ của toàn bộ giai cấp tư sản quốc tế - thế lực còn rất mạnh trên thế giới.

Về mặt chính trị - xã hội, bọn men-sê-vich, bọn vô chính phủ và những bọn thù địch khác nổi lên. Lúc này, Đảng Cộng sản đã đứng trước một nguy cơ to lớn, nội bộ hoang mang, rối trí, tình trạng tham nhũng, làm ăn kém cỏi và bất lực phổ biến.

Hai là, vị trí của đảng cầm quyền đã làm cho xã hội xuất hiện một hạng người cơ hội, tìm mọi cách luồn lách vào Đảng vì sự hấp dẫn được tham gia một đảng chấp chính. Đủ các hạng người từ bọn men-sê-vích “thay màu đổi sắc như thỏ rừng”, đến các phần tử tiểu tư sản, và cả những bọn đã công khai thù địch với tất cả những gì có tính chất giai cấp vô sản nay đều ồ ạt kéo về phía Đảng. Trong khi đó, một vấn đề rất cơ bản là khái niệm “giai cấp công nhân” lại không được xác định rõ ràng. Ưu tiên phát triển đảng viên trong giai cấp công nhân quy định thời gian dự bị ngắn... đã làm cho mọi tầng lớp, giai cấp ngay cả những tên bạch vệ, cũng dễ dàng trở thành giai cấp công nhân để nhanh chóng len vào hàng ngũ Đảng. Vì thế, tính chất giai cấp công nhân đã bị biến dạng; tính tự phát tiểu tư sản và tiểu tư sản vô chính phủ đang là những ảnh hưởng có tác dụng làm tan rã giai cấp vô sản và Đảng.

Ba là, những người cộng sản có chức quyền đã tha hoá, bệnh kiêu căng cộng với sự thiếu kiến thức, bệnh tham nhũng và ăn hối lộ đã làm cho họ biến thành những ông quan liêu “nửa quê mùa, nửa quý tộc”, thích nói về chính trị mà không tổ chức những công việc thực tiễn. Có rất nhiều nhà hô hào, kêu gọi chung chung nhưng lại ít các nhà quản lý tài giỏi(5). Cả một bộ máy quan liêu cồng kềnh, lắm ban bệ, hội họp triền miên, so với tất cả các nước trên thế giới thì nước Nga “chiếm kỷ lục về số lượng đại hội”(6). Họp nhiều như thế nhưng không giải quyết được việc gì dứt điểm, không ai chịu trách nhiệm cá nhân, cuối cùng người ta đưa ra nghị quyết tập thể chịu trách nhiệm chung. Do kiêu ngạo, kém hiểu biết và hẹp hòi nên Đảng đã không tập hợp được quần chúng, không phát huy được tính tích cực của con người. Bộ máy quan liêu của Đảng và Nhà nước cho rằng chỉ cần những pháp lệnh, “chỉ thị cộng sản” là có thể xây dựng thành công CNXH. 99% những đảng viên cộng sản không biết tiến hành công việc do mình phụ trách.

Nhìn một cách tổng quát, những người cộng sản đã từng anh dũng, ngoan cường trong chiến tranh nay “xuống cấp” về đạo đức, bất cập về khả năng; những kẻ cơ hội luồn lách vào trong Đảng; bộ máy quan liêu kiêu ngạo, xa dân, tham nhũng và ăn hối lộ... đang dẫn Đảng đến nguy cơ tan rã. Theo V.I.Lê-nin, Đảng Cộng sản (b) Nga đang có 3 kẻ thù “bên trong” phá hoại là tính kiêu ngạo cộng sản chủ nghĩa, nạn thất học và nạn hối lộ. Tình hình kinh tế - xã hội rối ren, khủng hoảng đã làm cho quần chúng chán nản, bất bình. Thanh đảng là liều thuốc để Đảng hồi sinh trong tình trạng nguy cấp đó.

Đối tượng thanh đảng là những ai?

Thanh đảng là “một công tác nghiêm chỉnh và vô cùng quan trọng”, nhằm đấu tranh để giữ cho Đảng không đi chệch con đường cách mạng, để Đảng xứng đáng là đội tiên phong của giai cấp cách mạng và của quần chúng cần lao. Sự trong sạch và vững mạnh của Đảng bắt buộc phải:

1. Tống cổ ngay bọn men-sê-vích ra khỏi Đảng. Theo V.I.Lê-nin, đối với những người men-sê-vích tham gia Đảng từ sau Cách mạng Tháng Mười thì chỉ có thể lưu lại nhiều lắm là 1%. Phải thẩm tra từng người trong số những người được lưu lại đó. Vì bọn chúng chỉ là những tên cơ hội khôn khéo thích ứng chui vào trào lưu chính trị của giai cấp công nhân, chứ không thật thà đi cùng đường với những người cộng sản, nó thù ghét CNXH và luôn luôn sẵn sàng đứng vào hàng ngũ kẻ thù.

2. Phải gạt ra khỏi Đảng những kẻ làm ô danh Đảng, những kẻ lợi dụng chức quyền để ăn cắp của công, làm giàu bất chính, ăn chơi sa đoạ... Bọn họ thực chất là những tên lưu manh chính trị, phi nhân tính, không những không thể để cho nó đội lốt cộng sản mà còn phải trừng trị trước pháp luật một cách nghiêm khắc.

3. Phải đưa ra khỏi Đảng những phần tử xa rời quần chúng, những bọn “làm quan”, những kẻ bị quan liêu hoá. Bọn người này si mê quyền lực, hám danh vọng, độc đoán, chuyên quyền, dối Đảng, dối trên, lừa mị cấp dưới và nhân dân. Bọn quan liêu hoá là con dao cắt đứt mối liên hệ máu thịt giữa Đảng và Nhân dân, làm cho dân xa Đảng, Đảng mất dần quần chúng, vì thế không thể để lại chúng trong hàng ngũ Đảng. Theo V.I.Lê-nin, “cần phải đưa ra khỏi Đảng những kẻ gian giảo, những đảng viên cộng sản đã quan liêu hoá, không trung thực, nhu nhược và những người men-sê-vich tuy “bề ngoài” đã được phủ một lớp sơn mới nhưng trong tâm hồn thì vẫn là men-sê-vich”(7).

Để thanh đảng có kết quả cần phải làm gì?

1. Phải áp dụng chính sách kinh tế mới (NEP)

Thanh đảng không chỉ là vấn đề có ý nghĩa thuần tuý về tổ chức mà xuất phát từ mục đích chính trị, từ nhiệm vụ cách mạng mới, từ những yêu cầu kinh tế - xã hội của đất nước mà Đảng phải giải quyết. Chính sách kinh tế mới là “một bước ngoặt đột ngột của chính quyền Xô-viết và của Đảng Cộng sản Nga”, là đường lối chiến lược làm cơ sở và tiêu chuẩn cho việc thanh Đảng.

2. Phải dũng cảm và chân thành dựa vào dân

Dựa chủ yếu vào kinh nghiệm và lời chỉ dẫn của những công nhân ngoài Đảng, coi trọng ý kiến của quần chúng. V.I.Lê-nin lưu ý rằng “phải biết lắng nghe và chọn lọc những ý kiến xây dựng của quần chúng. Đối với việc đánh giá người và gạt bỏ những “kẻ chui vào Đảng”, bọn “làm quan”, bọn đã bị “quan liêu hoá” thì những lời chỉ dẫn của quần chúng vô sản ngoài Đảng và trong nhiều trường hợp thì có những lời chỉ dẫn của quần chúng nông dân ngoài Đảng nữa là rất quý báu”(8). Cần đặc biệt coi trọng ý kiến nhân dân vì với một sự nhạy cảm rất tài tình, quần chúng cần lao nắm rất rõ sự khác nhau giữa những người cộng sản trung thực, tận tụy và những kẻ “cộng sản giả dối”, bị quần chúng chán ghét.

3. Phải tiến hành thanh đảng từ cấp lãnh đạo tối cao đến tận cơ sở mà không vị nể cá nhân

Sức mạnh và uy tín của Đảng được quyết định bởi các TCCSĐ, bởi các đảng viên mà trong cuộc sống hằng ngày họ thể hiện ra trước quần chúng. Trong điều kiện đảng cầm quyền, bộ máy Đảng và Nhà nước đã có nhiều kẻ cơ hội, những người bất tài và thiếu tư cách đang nắm quyền lực. Họ sử dụng quyền lực một cách tối đa, lấn át chân lý, độc đoán, ra các chủ trương và quyết định sai lầm. Họ tổ chức thực hiện nghị quyết một cách tuỳ tiện. Trong những trường hợp như thế, nếu càng ở các cấp bên trên càng có nguy cơ làm hỏng Đảng cả về mặt đường lối cả về mặt tư tưởng. Vì vậy, thanh đảng chỉ có kết quả khi tiến hành từ cấp tối cao đến tận cơ sở một cách công khai và công minh, không thiên vị.

Thanh đảng tuy là một công tác nghiêm chỉnh và vô cùng quan trọng, nhưng cũng không phải là biện pháp quan trọng nhất để xây dựng Đảng.

Biện pháp quan trọng nhất để Đảng trưởng thành, ngang tầm nhiệm vụ mới là gì?

1. Chọn người, đặt người đúng chỗ, đúng việc. Nhiều lần V.I.Lê-nin coi đó là mấu chốt của mọi vấn đề.

2. Học tập, người cộng sản phải biết làm giàu trí tuệ của mình bằng kho tàng kiến thức do nhân loại sáng tạo. Phải học tập từ đầu, học tập tỉ mỉ và kiên nhẫn. Chỉ có tiến hành việc học tập một cách dũng cảm và khiêm nhường, người cộng sản mới biết quản lý xã hội và biết tổ chức xây dựng xã hội mới. Trong việc học tập, V.I.Lê-nin đặc biệt nhấn mạnh những người cộng sản phải học quản lý kinh tế, học tập một cách thấu đáo và nhanh chóng, thì “mọi sự lơ là đều là tội lỗi rất nặng. Cho nên cần lao vào khoa học đó, một khoa học thật khó khăn gian khổ và đôi khi còn khắc nghiệt nữa, vì không có như thế thì không có đường nào thoát cả”(9).

3. Quy định những điều kiện kết nạp đảng viên mới chặt chẽ hơn. Trong vấn đề này, V.I.Lê-nin lưu ý đến việc thử thách kỹ lưỡng người xin gia nhập Đảng, quy định những điều kiện kết nạp đảng viên chặt chẽ hơn, thời gian dự bị dài hơn, xác định những ai đích thực là công nhân đại công nghiệp, đối với hồng quân cũng phải có những điều kiện kết nạp chặt chẽ hơn vì phần lớn họ là những nông dân và số đông họ còn rất trẻ...

Năm 1921, Đảng Cộng sản (b) Nga đã đưa ra khỏi Đảng hàng chục vạn đảng viên không xứng đáng với danh hiệu đảng viên cộng sản. Tổng kết công tác thanh đảng, V.I.Lê-nin đã chỉ rõ: Thực tiễn đã chứng minh một cách đầy đủ rằng công tác thanh đảng nhìn toàn cục mà nói là có ý nghĩa tích cực, mặc dù có khá nhiều sai lầm cá nhân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đi vào cõi vĩnh hằng sau V.I.Lê-nin 45 năm. Những tư tưởng lớn của hai vị lãnh tụ cộng sản gặp nhau (thanh đảng của V.I.Lê-nin và chỉnh đốn nội bộ đảng của Hồ Chí Minh), mãi vẫn là ngọn đuốc chỉ đường dẫn tới sự trong sạch, vững mạnh của Đảng để Đảng tiếp tục xứng đáng là đội tiên phong chính trị của toàn xã hội trong điều kiện mới. Đó là:

1. Xây dựng một cương lĩnh chính trị và chiến lược kinh tế - xã hội đúng, trên cơ sở đó chỉnh đốn lại đội ngũ đảng viên, để Đảng ngang tầm với nhiệm vụ, đủ khả năng tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối là vấn đề có ý nghĩa cơ bản và quyết định. Cương lĩnh chính trị và chiến lược kinh tế - xã hội đúng sẽ là tiêu chuẩn cơ bản để chỉnh đốn lại Đảng.

2. Đưa ngay ra khỏi cương vị lãnh đạo và quản lý tất cả những người không đủ phẩm chất và năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao: Lựa chọn, bố trí, sử dụng cán bộ đúng với năng lực, sở trường của họ. Đặt cán bộ đúng chỗ, đúng việc sau khi đã kiểm tra năng lực và thử thách trong thực tiễn là một việc phải làm ngay và coi đó là tiền đề chỉnh đốn lại Đảng. Nếu không có tiền đề đó thì kinh nghiệm cho thấy dù có hàng tá chỉ thị, nghị quyết về làm trong sạch Đảng cũng không đem lại kết quả. Bởi vì muốn loại bỏ những bộ phận hư hỏng làm ô danh Đảng, làm hỏng công việc của Đảng, muốn chọn cán bộ đủ năng lực và uy tín, thay thế họ thì trước hết phải có những tiêu chuẩn làm thước đo và thứ hai là có người đủ tín nhiệm để “cầm thước”.

Tiêu chuẩn là thước đo quan trọng nhất, quyết định nhất, nhưng để có nó thì không phải là việc làm khó nhất, nếu cố gắng suy nghĩ và biết dựa vào trí tuệ của nhân dân lao động thì có thể xác định được. Cái khó nhất là chọn được đúng những người “cầm thước”. Tức là làm sao có được những người thật xứng đáng giữ các chức vụ quan trọng của Đảng từ trên xuống dưới. Thực hành dân chủ rộng rãi và triệt để trong Đảng và trong xã hội theo phương pháp V.I.Lê-nin và Hồ Chí Minh sẽ cho ta lời giải đáp.

Vừa qua việc chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng đã được tiến hành theo tinh thần nói trên: Dự thảo Báo cáo chính trị đã công bố cho toàn Đảng, toàn dân tham gia và việc chuẩn bị nhân sự cấp ủy khóa mới cũng đã được thực hiện theo một quy trình dân chủ.

Mở rộng dân chủ trong Đảng và có một cơ chế dân chủ để Nhân dân tham gia vào công việc của Đảng sẽ là biện pháp tích cực từ hai phía “dưới lên” và “ngoài vào” để làm cho các cấp ủy trong sạch, vững mạnh từ trên xuống dưới. Một khi có những người “cầm thước” đủ tiêu chuẩn, Đảng ta sẽ đủ sức mạnh để “quét sạch rác rưởi” ra khỏi Đảng. Sức mạnh đó từ nơi Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, BCH Trung ương trở xuống và từ những chỉ dẫn của đa số người lao động (trí óc và chân tay) trung thực. Cả hai nguồn sức mạnh ấy đều là điều kiện cần và đủ để làm trong sạch Đảng.

 Việc kết nạp đảng viên là việc vô cùng hệ trọng. Chỉ có tổ chức tiên tiến mới thu nạp được những người tiên tiến. Chỉ có những đảng viên trung thực và tiên tiến mới có thể làm được việc tuyên truyền, giới thiệu cho Đảng những người trung thực và tiên tiến. Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII đã chỉ rõ: “Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng còn một số hạn chế... Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức đảng còn thấp. Công tác rèn luyện, quản lý đảng viên ở một số nơi chưa được quan tâm đúng mức; có nơi còn buông lỏng sinh hoạt đảng, chất lượng sinh hoạt chưa cao, sinh hoạt chi bộ ở nhiều nơi vẫn còn hình thức; tính chiến đấu trong tự phê bình và phê bình còn yếu… Công tác quản lý, rèn luyện đảng viên còn thiếu chặt chẽ. Việc đánh giá, xếp loại tổ chức đảng và đảng viên ở một số nơi còn chưa thực chất. Một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”.

Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng chuyển biến chưa đều; chưa chú trọng công tác phòng ngừa. Công tác bảo vệ chính trị nội bộ chưa chú trọng đầy đủ đến vấn đề chính trị hiện nay… Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có chuyển biến rõ rệt; công tác phòng ngừa tham nhũng ở một số nơi còn hình thức. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí vẫn còn hạn chế, tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng, lãng phí trong nội bộ, cơ quan, đơn vị còn yếu; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được đẩy lùi. Tham nhũng, lãng phí trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe doạ sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”.

Khắc phục tình trạng nói trên vẫn đang là việc rất quan trọng, phải làm thường xuyên, liên tục. Nếu những đảng viên thoái hóa, biến chất không mau chóng được loại bỏ mà vẫn được làm nhiệm vụ “giúp đỡ” quần chúng để phát triển đảng viên; nếu các tổ chức đảng yếu kém ấy vẫn lãnh đạo việc phát triển đảng viên thì “bể lọc” ấy chắc chắn sẽ để cả “rác rưởi” theo dòng nước mà tràn vào Đảng. Như vậy không những Đảng không thể trong sạch, vững mạnh, mà còn không thể kết nạp được những người ưu tú nhất trong Nhân dân vào Đảng.

Cần coi trọng việc phát triển đảng viên thực chất là việc tiến cử người hiền tài cho đất nước. Thực tế nhiều năm qua, đã có không ít người ưu tú nhưng vì nhiều lẽ họ chưa đứng trong hàng ngũ Đảng mặc dù họ rất yêu Đảng, thiết tha với sự nghiệp của Đảng. Trong khi đó lại không có ít kẻ cơ hội và người chưa xứng đáng được kết nạp vào Đảng, được thăng quan tiến chức. Để đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống, toàn Đảng ta cần suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề đó.

Những chỉ dẫn của V.I.Lê-nin về thanh đảng và chỉnh đốn nội bộ đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với kinh nghiệm của việc thực hiện hai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và XII), và nghiêm túc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, chắc chắn công tác chỉnh đốn Đảng sẽ mang lại hiệu quả thiết thực./.

-----

(1) V.I.Lê-nin, Toàn tập, tập 6, NXB Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1978, tr.31. (2) Sđd, tập 44, tr.130. (3) Sđd, tr.197. (4) Sđd, tr.199. (5) Tại Đại hội XI Đảng Cộng sản (b) Nga, V.I.Lê-nin đã báo cáo “chúng ta có 18 bộ dân uỷ, trong đó có ít nhất là 15 bộ quá kém, không tìm đâu ra các vị bộ trưởng dân uỷ tốt...”, có đến 120 ban thuộc Hội đồng bộ trưởng, trên thực tế chỉ cần 16 ban. (6) Sđd, tr.207. (7) Sđd, tr.154. (8) Sđd, tr.152. (9) Sđd, tr.209, 210.

TS. Nguyễn Ngọc Ánh, Viện Xây dựng Đảng, Học viện CTQG Hồ Chí Minh