Nhìn lại tầm vóc chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ, thế hệ hôm nay càng cảm phục hơn trí tuệ và bản lĩnh đánh giặc của dân tộc Việt Nam. Trí tuệ và bản lĩnh đó được kết tinh qua sự lãnh đạo sáng suốt tài tình và kịp thời của Đảng, đứng đầu là Hồ Chủ tịch và người trực tiếp chỉ huy là Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, sức mạnh của cả dân tộc đã được huy động một cách triệt để vào trận đánh quyết định này. Chính sức mạnh vật chất và tinh thần của cả dân tộc đã chuyển yếu thành mạnh, vừa đánh, vừa xây dựng lực lượng, càng đánh càng thắng. Đó là một trong những nhân tố quan trọng đầu tiên góp phần quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Lịch sử chống kẻ thù ngoại xâm hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam đã minh chứng hùng hồn qua các thời kỳ dựng và giữ nước, một dân tộc nhỏ bé đã đánh bại những lực lượng hùng hậu bằng nghệ thuật lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều, từng bước tạo, nắm và chớp thời cơ giành thắng lợi hoàn toàn. Nhớ lại những ngày đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân ta đấu tranh trong vòng vây của kẻ thù và các thế lực phản động, cuộc kháng chiến của ta còn ít tiếng vang, chưa nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ về tinh thần và vật chất của bè bạn thế giới. Trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc” (1).  Năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng tiếp tục khẳng định: “Tổng phản công của ta sẽ là một giai đoạn lâu dài. Rồi đây có sự chi viện của Liên Xô và Trung Quốc về vật chất, vũ khí, trang bị, ta sẽ đỡ khó khăn hơn, nhưng giành được thắng lợi phải do sự nỗ lực của bản thân ta quyết định”(2). Tại Hội nghị Trung ương tháng 3-1951, tư tưởng chỉ đạo của Đảng về cuộc kháng chiến của nhân dân ta sẽ phải trường kỳ, gian khổ và tự lực cánh sinh là chính. Ngày 2-9-1952, Chủ tịch Hồ chí Minh một lần nữa kêu gọi “nhân dân, bộ đội và cán bộ thấm nhuần tư tưởng: Kháng chiến nhất định thắng lợi, nhưng phải trường kỳ, gian khổ và phải tự lực cánh sinh”(3)

Thấm nhuần đường lối kháng chiến của Đảng, nhân dân ta “đồng cam cộng khổ”, vừa đánh, vừa giam chân địch trong lòng thành phố, vừa kéo Pháp lên vùng rừng núi hiểm trở, giáng cho địch những đòn chí tử trong chiến dịch Việt Bắc thu đông 1947; Biên giới thu đông 1950; Đường số 18, Hòa Bình, Tây Bắc, mặt trận Bình - Trị - Thiên, Thượng Lào, Đông Bắc Căm-pu-chia… Thắng lợi liên tiếp của 3 nước Đông Dương đã giải phóng một vùng đất đai rộng lớn, khai thông biên giới Việt - Trung, mở rộng quan hệ giữa nước ta với thế giới, đẩy thực dân Pháp lún sâu vào thế bị động và phân tán lực lượng, làm cho chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của Pháp thất bại, tạo thế và lực mới cho cuộc kháng chiến.

Liên tiếp thất bại trên chiến trường, Pháp cử tướng Hăng-ri Na-va - Tham mưu trưởng các lực lượng khối Bắc Đại Tây Dương, người đã từng chiến đấu trong suốt cuộc Chiến tranh thế giới I, từng tham gia bình định Xy-ri-a, Ma-rốc... Với tài chỉ huy của tướng Na-va, cùng với số lượng quân đông nhất (267 tiểu đoàn trong đó có 84 tiểu đoàn quân cơ động chiến lược và phương tiện chiến tranh hiện đại; chi viện ngày càng lớn của Mỹ), Pháp hòng tìm một “lối thoát danh dự” trong cuộc chiến tranh hao người, tốn của, “cuộc chiến tranh bẩn thỉu” mà nhân dân Pháp, nhân dân tiến bộ trên thế giới kịch liệt phản đối. Chính phủ Pháp hy vọng kế hoạch Na-va sẽ giúp “chuyển bại thành thắng” trong vòng 18 tháng, giành lại quyền chủ động chiến lược trên chiến trường Đông Dương. “Kế hoạch Na-va chẳng những được Chính phủ Pháp mà cả những người bạn Mỹ cũng tán thành. Nó cho phép hi vọng đủ mọi điều”(4)

Kế hoạch Na-va gồm 2 bước: Bước thứ nhất, giữ thế phòng ngự chiến lược ở miền Bắc và tiến công bình định ở miền Nam, miền Trung Đông Dương, xỏa bỏ vùng tự do Liên Khu V. Bước thứ hai, thực hiện chiến lược tiến công ra Bắc, giành thắng lợi quân sự, buộc ta phải đàm phán theo những điều kiện có lợi cho chúng. Kế hoạch Na-va thể hiện rõ tham vọng “nuốt chửng Việt Nam” của Pháp và Mỹ. Tháng 9-1953, Bộ Chính trị, BCH Trung ương Đảng đã họp bàn nhiệm vụ quân sự Đông Xuân 1953-1954. Bộ Chính trị nhận định, Kế hoạch Na-va đã gây cho ta những khó khăn mới, nhưng bản thân nó chứa đựng nhiều khó khăn và nhược điểm. Đại bộ phận địch tập trung ở đồng bằng Bắc bộ. Ở những chiến trường khác, nhất là miền núi, chúng có nhiều sơ hở và yếu. Theo đó, phải sử dụng mọi biện pháp để giữ vững và phát triển quyền chủ động tiến công chiến lược, điều những bộ phận chủ lực của ta tiến về 5 hướng chiến lược nhằm vào những nơi hiểm và tương đối yếu của chúng mà tiêu diệt, buộc quân địch phải đánh theo cách đánh của ta, trên chiến trường ta đã chuẩn bị, từ đó mà đập tan âm mưu của địch, giành lại quyền chủ động trên các chiến trường. 

Tây Bắc được chọn làm hướng tiến công chính của ta, đòn tiến công chiến lược đầu tiên đã điểm trúng huyệt, khiến Na-va vội vã điều động 6 tiểu đoàn cơ động tăng cường cho Điện Biên Phủ, biến Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh với binh lực lên đến 9 tiểu đoàn. Kế hoạch Na-va bắt đầu bị đảo lộn. Na-va phải tìm cách đối phó với lực lượng của ta. 

Ngày 22-11-1953, Na-va cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ và xây dựng ở đây tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương với ý đồ tạo thành “pháo đài bất khả xâm phạm”, “cối xay nghiền nát chủ lực Việt Minh”. Điện Biên Phủ là một thung lũng lòng chảo, vốn là cánh đồng Mường Thanh, nằm trong vùng rừng núi Tây Bắc, gần biên giới Việt - Lào, cách hậu phương của ta (Việt Bắc) 300 - 500km đường bộ. Vì vậy, Pháp coi Điện Biên Phủ là một địa bàn chiến lược hết sức quan trọng, là một vị trí chiến lược cơ động ở giữa miền Bắc Việt Nam - Thượng Lào - miền Nam Trung Quốc, có thể trở thành một căn cứ lục quân và không quân. Mỹ đánh giá Điện Biên Phủ là “một tập đoàn cứ điểm đáng sợ”, “một Véc-đoong ở Đông Nam Á” và tán dương quyết định sáng suốt của tướng Na-va.

Phân tích rõ những điều kiện giành thắng lợi, Đảng ta đã tập trung đại bộ phận chủ lực tinh nhuệ để mở hàng loạt cuộc tiến công chiến lược vào hướng địch yếu, hiểm, chia nhỏ lực lượng địch vào hướng: Bắc bộ, Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ, đồng thời phối hợp hiệu quả với nước bạn Lào mở các chiến dịch quan trọng ở Trung, Thượng, Hạ Lào và Đông Bắc Căm-pu-chia. Nhờ đó, ta đã làm lực lượng địch phải chia nhỏ, rải ra khắp chiến trường, hạn chế sự chi viện của chúng cho cứ điểm Điện Biên Phủ, từng bước giải phóng vùng đất đai rộng lớn, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị chiến đấu của ba nước Đông Dương trong cuộc kháng chiến chống kẻ thù chung. 

Thắng lợi quân sự trong kế hoạch Đông Xuân 1953-1954 đã tạo tiền đề vô cùng quan trọng để Đảng ta đưa ra đòn quyết chiến chiến lược cuối cùng với Pháp tại cứ điểm Điện Biên Phủ. Ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị thông qua phương án mở chiến dịch Điện Biên Phủ của Tổng Quân ủy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được chỉ định trực tiếp làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch. Như vậy, cả địch và ta đều coi trận giao chiến ở Điện Biên Phủ là một trận quyết chiến lịch sử. Tháng 12-1953, Hồ Chủ tịch gửi thư cho cán bộ và chiến sỹ mặt trận Điện Biên Phủ, Người căn dặn: “Các chú phải chiến đấu anh dũng hơn, chịu đựng gian khổ hơn, phải giữ vững quyết tâm trong mọi hoàn cảnh: Quyết tâm tiêu diệt địch, Quyết tâm giữ vững chính sách, Quyết tâm tranh nhiều thắng lợi”(5). 

Bên cạnh sự chuẩn bị chu đáo của cả dân tộc “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng”, còn có sự giúp đỡ của Đoàn cố vấn Trung Quốc (đồng chí Vi Quốc Thanh làm Trưởng đoàn). Sau khi họp bàn cân nhắc những thuận lợi và khó khăn trên chiến trường giữa ta và địch, Đoàn cố vấn Trung Quốc tham mưu cho chúng ta chuẩn bị đánh Điện Biên Phủ theo phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh”, cần tranh thủ sớm, đánh nhanh bằng sức mạnh hiệp đồng của bộ binh và pháo binh tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ chỉ 2 ngày 3 đêm trong điều kiện địch còn đang phòng ngự lâm thời. Đó là cách đánh mà cố vấn Mai Gia Sinh gọi là “oa tâm tạng chiến thuật” tức là dùng mũi thọc sâu “tạo nên sự rối loạn ở trung tâm phòng ngự địch ngay từ đầu, rồi từ trong đánh ra, từ ngoài đánh vào, tiêu diệt địch trong thời gian tương đối ngắn”(6).

Trước vận mệnh sinh tử tồn vong của dân tộc, nhiệm vụ tối cao được Đảng và Bác Hồ trao cho người cầm quân: “Trận này rất quan trọng phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc không đánh”. Bao đêm trăn trở, nghiên cứu, phân tích tình hình thay đổi trên chiến trường Đông Dương, so sánh tương quan lực lượng giữa ta và địch, không có lợi cho phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh”; đặc biệt, khi Na-va điên cuồng quyết tâm tăng cường xây dựng công sự, sân bay, bổ sung lực lượng cho Điện Biên Phủ lên tới 12 tiểu đoàn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có nhận định sáng suốt: “Tình hình địch còn thay đổi nên chủ trương cũng có thể thay đổi”, ông quyết định cho hoãn kế hoạch đã chuẩn bị chu đáo chờ lệnh nổ súng của quân và dân ta theo phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Quyết định này được xem là một “quyết định khó khăn nhất” trong cuộc đời cầm quân của vị Tổng Tư lệnh mới 43 tuổi!

Kế hoạch “đánh chắc, tiến chắc” được thông qua, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra lệnh cho các mặt trận hoãn cuộc tiến công, các đơn vị lùi về địa điểm tập kết. Mặc dù trận địa đã được bố trí, pháo lớn được kéo lên vị trí chiến đấu với bao công sức và máu xương của quân và dân ta, nhưng Đại tướng vẫn quyết tâm lệnh đưa pháo xuống, rồi kéo pháo lên vào vị trí tác chiến mới. Kế hoạch tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được chuẩn bị lại theo phương châm mới “đánh chắc, tiến chắc”. Sự thay đổi phương châm tác chiến thể hiện nghệ thuật đánh giặc tài tình, thông minh của dân tộc ta và tầm nhìn chiến lược của vị Tổng chỉ huy kiệt xuất. Lần đầu tiên ở Việt Nam và cũng rất hiếm trên thế giới, vị Thống soái chỉ huy tối cao của Quân đội nhân dân Việt Nam đã lệnh cho quân kéo pháo lên núi cao, vào hầm chĩa thẳng pháo xuống đầu kẻ thù mà chế áp. Cách đánh này vừa bảo vệ được pháo, vừa nâng cao được uy lực, mức chính xác và mang lại hiệu quả cao nhất. 

Thực hành triệt để theo phương châm mới “đánh chắc tiến chắc”, hàng ngàn hệ thống giao thông, trận địa hầm hào kiên cố nhanh chóng hoàn chỉnh, những chiếc xe thồ cần mẫn ngày đêm đưa lương thực, quân trang, quân dụng phục vụ chiến dịch. Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng, ngày 13-3-1954, quân ta được lệnh nổ súng tấn công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đây là lần đầu tiên quân ta tiến hành bao vây tiến công một tập đoàn cứ điểm trong điều kiện kẻ thù có vũ khí trang bị hiện đại hơn ta gấp bội. Cùng với việc triệt phá các nguồn hoả lực của địch: Pháo binh, xe tăng và máy bay chi viện, hệ thống hầm hào trận địa với chiến thuật “vây, lấn, tấn, phá, triệt, diệt” của quân ta từng bước thắt chặt vòng vây, tạo nên sức mạnh tiến công tiêu diệt địch. Dõi theo từng bước tiến của quân và dân ta trên chiến trường, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện khen ngợi, động viên tinh thần cán bộ, đảng viên, chiến sỹ trên toàn mặt trận: “Chiến dịch này là một chiến dịch lịch sử của quân đội ta, ta đánh thắng chiến dịch này có ý nghĩa quân sự và chính trị quan trọng”(7).  

Với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, quân dân ta đã chiến đấu vô cùng anh dũng, phát huy tác dụng của các loại vũ khí có trong tay, tìm ra nhiều cách đánh sáng tạo, vừa đánh độc lập, vừa đánh hợp đồng, xây dựng trận địa tiến công và vây hãm quân thù. Trải qua 3 đợt tấn công liên tục, đến ngày 7-5, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ - một “pháo đài khổng lồ không thể công phá” của thực dân Pháp đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Tướng Đờ Ca-xtơ-ri và toàn bộ Bộ tham mưu của tập đoàn cứ điểm đã đầu hàng quân ta vô điều kiện. Lá cờ quyết chiến, quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng đã tung bay trên nóc hầm chỉ huy. Ở các cứ điểm xung quanh, binh lính và sỹ quan của địch lũ lượt giương cao cờ trắng ra hang.

Chiến thắng Điện Biên Phủ kết thúc oanh liệt, dân tộc Việt Nam đã đánh bại hoàn toàn kế hoạch quân sự Na-va, làm sụp đổ niềm hy vọng của các giới quân sự và chính trị ở Pháp, làm xoay chuyển cục diện chiến tranh, thắng lợi trên chiến trường là cơ sở, điều kiện quyết định thắng lợi trên bàn đàm phán, buộc Pháp phải ký vào Hiệp định Giơ-ne-vơ, tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và Đông Dương.

Tìm hiểu thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ của dân tộc Việt Nam, nhà báo Pháp Giuyn Roi đã có một nhận xét đầy hình tượng: Không phải viện trợ bên ngoài đã đánh bại tướng Na-va, mà chính là những chiếc xe đạp Pơ-giô thồ 200, 300 ký hàng và đẩy bằng sức người, những con người ăn chưa đủ no và ngủ thì nằm ngay dưới đất trải tấm ni-lông. Cái đã đánh bại tướng Na-va, không phải là phương tiện, mà là sự thông minh và ý chí của đối phương. Từ cách nhìn khách quan của những học giả, nhà báo nước ngoài, thế hệ hôm nay hiểu được rằng, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo, tài tình của Đảng, tài chỉ huy, cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, những chiếc xe thồ ấy, những con người bằng da, bằng thịt của dân tộc Việt Nam đã kiên cường bất khuất “nếm mật nằm gai” trong “56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt. Máu trộn bùn non” cùng nhau viết nên trang sử chói lọi “9 năm làm một Điện Biên. Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”.

Điện Biên Phủ chính là thắng lợi của sức mạnh và trí tuệ Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng - nhân tố quan trọng quyết định thắng lợi của dân tộc Việt Nam không chỉ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mà còn giành thắng lợi thần kỳ trong hơn 20 năm kháng chiến chống Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đồng thời, bác bỏ những luận điệu xuyên tạc sự kiện lịch sử của một số sử gia Phương Tây cho rằng: “Các anh thắng lợi là nhờ có Trung Quốc giúp và do quân đội viễn chinh Pháp không chịu đựng được muỗi a-nô-phen”. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ghi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa… của thế kỷ 20, đồng thời minh chứng chân lý thời đại:“Một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh. Đó là thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là thắng lợi của lực lượng hoà bình dân chủ và CNXH”. 

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, lịch sử dân tộc đã bước sang trang mới, những bài học và ý nghĩa lớn lao của Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước hôm nay. Trong mỗi giai đoạn đi lên của đất nước, tinh thần Điện Biên Phủ vẫn luôn hiện hữu, đó là ý chí quyết chiến, quyết thắng, khát vọng vươn tới độc lập, tự do, hạnh phúc của toàn thể dân tộc Việt Nam. Bằng khối óc và bàn tay của mình, bằng tài năng và sự sáng tạo, chúng ta hoàn toàn có thể biến khát vọng thành hiện thực, hướng tới xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Điện Biên Phủ mãi mãi là niềm tự hào, mãi mãi trường tồn cùng với sự phát triển đi lên của đất nước, con người Việt Nam.

-----------------------------------

(1), (3), (5), (7) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.2011, tập 4, tr.534; tập 7, tr.475; tập 8, tr.378, tr.434. (2) Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chiến đấu trong vòng vây, NXB QĐND, H.1995, tr.414. (4) Đỗ Thiện - Đinh Kim Khánh, Tiếng sấm Điện Biên Phủ, NXB QĐND, H.1984, tr.61.(6) Hoàng Minh Phương, Nắm ngải cứu trên đầu đồng chí Tổng Tư lệnh, Tạp chí Xưa và nay, số 208, 3-2004, tr.10.

Phạm Thị NhungTrường Sĩ quan Lục quân 1