Trên hành trình đi tham quan Pù Luông, Đoàn đi qua Hang Dơi là thung lũng còn rất nguyên sơ và mộc mạc. Đây là một trong những bản vùng cao, khó khăn nhất của xã Thành Sơn, huyện Bá Thước nhưng lại có tiềm năng rất lớn về điều kiện tự nhiên và truyền thống văn hóa để phát triển du lịch cộng đồng. Đoàn đến Bản Hiêu và Thác Hiêu thuộc xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước, Thanh Hóa. Bản có hơn một trăm nóc nhà nằm rải rác dọc theo hai bên bờ suối. Thác Hiêu và dòng suối Hiêu bắt nguồn từ hang đá thuộc dãy núi đá vôi của khu sinh cảnh đá vôi Pù Luông - Cúc Phương, nên dòng nước đặc biệt trong xanh. Theo người dân trong vùng, dòng suối thác Hiêu chảy không bao giờ cạn, luôn có màu trong xanh quanh năm, mát lạnh về mùa hè và ấm áp về mùa đông. Đến khu Cao Sơn hay còn gọi là Son - Bá - Mười, thuộc vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông và tiếp giáp với Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông của Hòa Bình. Tuy nhiên, khu Cao Sơn nằm ở độ cao 1.200m so với mực nước biển cộng với đường đi lên còn khó khăn nên gần như tách biệt hoàn toàn với các bản làng phía dưới chân núi. Bản Đôn là nơi cư trú chủ yếu của đồng bào dân tộc Thái xã Thành Lâm, huyện miền núi Bá Thước. Bên cạnh được chiêm ngưỡng cảnh đẹp hoang sơ, với những thửa ruộng bậc thang trải dài, những nếp nhà sàn nằm ven chân đồi thanh bình yên tĩnh. Đoàn còn được học cách dệt vải, thưởng thức nhiều hương vị, đặc sản vùng cao như: măng rừng, vịt cỏ, lợn rừng, gà đồi, canh cá...
Kết thúc chuyến đi, Đoàn tham quan không chỉ được chiêm ngưỡng cảnh thiên nhiên hùng vĩ của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông mà còn biết được văn hóa của đồng bào dân tộc Mường và Thái sinh sống ở nơi đây, được thưởng thức các món ăn, đặc sản của đồng bào cùng sự chân thành, nồng nhiệt của người dân địa phương.
Chị em Khoa tôi trong chuyến đi dã ngoại