Theo Hồ Chí Minh, muốn lựa chọn được cán bộ phải có tiêu chuẩn. Người quan niệm tiêu chuẩn không phải là cái gì không đổi, định ra một lần là đủ vì ''cách mạng tiến lên mãi'' nên người cách mạng cũng phải ''tiến lên mãi'', nếu không sẽ trở thành lạc hậu bảo thủ. Trong cuốn Đường cách mệnh, Người đã nêu những điểm chính về tư cách người cách mạng. Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, Người lại nêu ra những tiêu chuẩn để lựa chọn bồi dưỡng, sử dụng, xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Bước vào thời kỳ chống Mỹ cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong nhiều bài nói và viết của mình, Người thường xuyên nhắc nhở cán bộ chẳng những phải thạo về chính trị mà phải giỏi về chuyên môn, cán bộ lãnh đạo trong ngành nào thì phải biết chuyên môn về ngành đó. Theo Hồ Chí minh, có tiêu chuẩn lựa chọn cán bộ rồi thì còn phải biết cách xem xét, đánh giá để tìm ra những người đáp ứng được các tiêu chuẩn. Quan điểm xem xét, đánh giá cán bộ của Người là: “Muốn xem xét, đánh giá cán bộ được đúng đắn, chẳng những phải xem xét cách công tác của họ, mà còn phải xem xét cách sinh hoạt của họ. Chẳng những xem xét cách viết, cách nói của họ, mà còn phải xem xét việc làm của họ có đúng với lời nói, bài viết của họ hay không. Chẳng những xem xét họ đối với ta thế nào, mà còn phải xem xét họ đối với người khác như thế nào, phải biết ưu điểm của họ mà cũng phải biết khuyết điểm của họ, không nên chỉ xem xét công việc của họ trong một lúc, mà phải xem cả công việc của họ từ trước đến nay''. Người còn chỉ rõ: "Muốn biết rõ cán bộ thì người cán bộ lãnh đạo trước hết phải sửa những khuyết điểm của chính mình, bởi vì mình càng ít khuyết điểm thì xem xét, đánh giá cán bộ càng đúng".

Hồ Chí Minh coi việc sử dụng cán bộ là một nghệ thuật. 'Đảng phải sử dụng cán bộ như người làm vườn vun trồng những cây quý báu''. Phải bố trí cán bộ thích hợp, tuỳ tài mà dùng người, họ có tài mà không dùng đúng cái tài của họ thì không được việc.''Thợ rèn thì bảo đi đóng tủ, thợ mộc thì bảo đi rèn dao. Thành thử hai người đều lúng túng. Nếu biết tuỳ tài mà dùng người, thì hai người đã thành công''. Người căn dặn cán bộ lãnh đạo phải thường xuyên nghe, hỏi ý kiến cấp dưới, phải khiến cho cán bộ cấp dưới dám nói và đề ra ý kiến; nếu ý kiến của họ không đúng thì nên dùng thái độ thân thiết giải thích cho họ hiểu. Cán bộ lãnh đạo phải tạo cho cán bộ cấp dưới tuỳ cơ ứng biến trong khi giải quyết các công tác. Những người lãnh đạo khéo thì tài nhỏ hoá tài to, lãnh đạo không khéo thì tài to cũng hoá ra tài nhỏ. Khi đã bố trí cán bộ đúng vị trí lại phải vì phẩm chất, tài năng, vì công việc, vì sự lớn mạnh của tổ chức mà cất nhắc cán bộ, kiên quyết không vì yêu ghét, vì thân thích, vì nể nang mà đề bạt cất nhắc cán bộ.
Để đào tạo xây dựng được đội ngũ cán bộ tốt, Hồ Chí Minh coi ''Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng'', Người yêu cầu phải xác định cho rõ huấn luyện cho ai, ai huấn luyện, huấn luyện gì, tài liệu huấn luyện ra sao, nhưng điều quan trọng nhất là xác định được mục đích của công tác huấn luyện đó làm sao cho mỗi cán bộ nâng cao thêm được nhận thức tư tưởng, tu dưỡng đạo đức cách mạng trong sạch hơn, tin tưởng hơn vào Đảng, vào nhân dân, vào tương lai của cách mạng, của dân tộc. Chính mục đích của công tác huấn luyện sẽ quy định nội dung, phương pháp, hình thức của công tác huấn luyện. Theo Hồ Chí Minh, việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ không chỉ dừng lại ở việc huấn luyện, dạy dỗ mà còn phải tiếp tục trong cả quá trình bố trí sử dụng cán bộ, quá trình hoạt động thực tiễn của cán bộ. Đào tạo, sử dụng cán bộ là một quá trình nối tiếp, xen kẽ, không tách rời, đứt đoạn bởi vì sự phát triển không ngừng của cách mạng càng đòi hỏi sự nâng cao không ngừng của mỗi cán bộ, đúng như lời Người đã nói: ''Không phải vài ba tháng, hoặc vài ba năm mà đào tạo được một cán bộ tốt. Cần phải đào tạo, huấn luyện lâu năm mới được''.
Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng việc đào tạo thế hệ cách mạng cho đời sau. Người coi đó là ''một công việc rất quan trọng và rất cần thiết''. Tư tưởng chăm lo, đào tạo, bồi dưỡng những người kế tục sự nghiệp cách mạng vừa thể hiện tầm nhìn chiến lược của một nhà cách mạng ''lo hôm nay và lo cho muôn đời sau'', vừa thể hiện một tấm lòng ưu ái, một chủ nghĩa nhân văn cộng sản: ''Tre già yêu lấy măng non''. Người chỉ rõ Đảng phải có trách nhiệm giáo dục, tổ chức, hướng dẫn họ thành những người kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân. Sinh mệnh Đảng, tương lai của dân tộc phụ thuộc vào việc Đảng có quan tâm đúng mức đến việc ''trồng người'' hay không.
Trong suốt quãng đời hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm tới vấn đề phẩm chất đạo đức của người cán bộ. Để làm tròn nhiệm vụ của mình mỗi cán bộ đảng viên phải vừa có đức, vừa có tài, vừa có năng lực vừa có phẩm chất. Người nói: “có tài phải có đức, có tài mà không có đức, tham ô hủ hoá có hại cho cách mạng, có đức mà không có tài như ông bụt trong chùa không có ích gì cho ai''. Theo Người, đạo đức là ''cái gốc'', là ''nền tảng'', là cái ''căn bản'' của một chiến sĩ cách mạng. Người có tài phải thường xuyên bồi dưỡng phẩm chất đạo đức thì mới đem tài năng phục vụ đắc lực cho Đảng, cho dân. Đức là gốc, luôn làm cho tài năng phát triển; người thực sự có đức bao giờ cũng khiêm tốn, chịu khó học tập, phấn đấu nâng cao tài năng của mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng giao cho. Mỗi người đảng viên phải: trung với Đảng, hiếu với dân, vượt qua mọi thử thách, giàu sang không quyến rũ, nghèo khó không chuyển lay, uy vũ không khuất phục, suốt đời vì dân, vì Đảng, vì cách mạng mà phục vụ. Việc tu dưỡng đạo đức là việc làm thường xuyên trong suốt cuộc đời của người cán bộ đảng viên. Trường học tốt nhất cho việc rèn luyện phẩm chất đạo đức của cán bộ đảng viên là trong hoạt động thực tiễn, trong phong trào cách mạng của quần chúng. Người căn dặn: không ai có thể chủ quan cho rằng đạo đức của mình là đủ, cũng như tự mãn nghĩ rằng đạo đức của mình là có thừa. Mỗi cán bộ đảng viên phải học tập, phải rèn luyện đến già, cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong.
Hiện nay, Đảng ta đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” mà một trong những nội dung trọng tâm là “xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”. Thiết nghĩ các cấp uỷ đảng và mỗi cán bộ đảng viên cần nghiên cứu, suy ngẫm những tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ để vận dụng vào thực tiễn địa phương, đơn vị mình, khắc phục những mặt hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ hiện nay.
 
Mạnh Hồng