Kết thúc bản Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định quyết tâm sắt đá và khát vọng cao cả của dân tộc Việt Nam rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”(1). Lời tuyên bố đanh thép ấy cũng chính là “Lời thề giữ nước” của toàn thể dân tộc Việt Nam dưới ngọn cờ đỏ sao vàng thiêng liêng, một quyết tâm sắt đá phải giữ vững được chính quyền cách mạng, bảo vệ độc lập, tự do của đất nước và thực hiện khát vọng phồn vinh, hạnh phúc. 

“Lời thề giữ nước” trong bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đồng hành với dân tộc ta 76 năm, được các thế hệ người dân Việt Nam coi đó là vinh dự, là trọng trách thiêng liêng của bản thân với sự tồn vong của đất nước, của chế độ. Bằng ý chí, quyết tâm, bao lớp cha anh đã luôn kề vai, sát cánh “chung khúc quân hành”, sẵn sàng dâng hiến tuổi thanh xuân, lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, chiến đấu hy sinh cho độc lập, tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Máu xương của họ đã dựng xây nên tượng đài “Độc lập dân tộc” trong hai cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, tạo tiền đề quyết định để cả dân tộc bước vào giai đoạn xây dựng CNXH.

Trước yêu cầu thực tiễn đất nước đặt ra, cả dân tộc đoàn kết dưới ngọn cờ của Đảng, thực hiện “Lời thề giữ nước” với quyết tâm thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN “Trong khi không một phút lơi lỏng nhiệm vụ củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta và nhân dân ta phải đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng CNXH”(2). Hai nhiệm vụ chiến lược đều có sức nặng, vai trò vị trí như nhau. Phát triển kinh tế là cơ sở để tăng cường quốc phòng an, ninh vững chắc; quốc phòng an ninh vững chắc là công cụ bảo vệ sự nghiệp cách mạng, tạo môi trường hòa bình, ổn định để kinh tế phát triển và hội nhập quốc tế. Vì vậy, sau hơn 35 năm tiến hành đổi mới, thực hiện CNH, HĐH đất nước, Việt Nam đã vươn mình trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế. Năm 2016, chúng ta đứng thứ 88 về phát triển bền vững trên thế giới; với những nỗ lực, cố gắng vượt bậc đến năm 2020, Việt Nam đã vươn lên xếp thứ 49. Trong năm 2020, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, làm gián đoạn hoạt động kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới, nhưng với những giải pháp quyết liệt và hiệu quả trong việc thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội”, kinh tế Việt Nam vẫn đạt kết quả tích cực với việc duy trì tăng trưởng. Quy mô nền kinh tế nước ta đạt hơn 343 tỷ đô-la, vượt Xin-ga-po (337,5 tỷ đô-la) và Ma-lai-xi-a (336,3 tỷ đô-la), đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á.

Cùng với thành tựu phát triển kinh tế, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ XHCN được giữ vững, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(3). Kết quả này là minh chứng cụ thể, không chỉ thể hiện sự kế thừa và phát huy “Lời thề giữ nước” trong Tuyên ngôn độc lập lên tầm cao mới mà còn là niềm tự hào, là động lực, nguồn lực quan trọng, là niềm tin để đất nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức tiếp tục đổi mới, phát triển bền vững đất nước trong những năm tiếp theo. 

Bên cạnh kết quả đạt được, cách mạng Việt Nam đang đứng trước những khó khăn, thách thức. Đó là trong nước, vấn nạn tham nhũng vẫn chưa yên; một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Bên ngoài, các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và đất nước ta. Tình hình Biển Đông tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo và toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân ta còn cam go, phức tạp, lâu dài. Đặc biệt, tình hình dịch bệnh COVID-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là ở các tỉnh phía Nam, gây cản trở con đường thực hiện khát vọng Việt Nam. Trước tình hình đó, lời thề “quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy” lại vang vọng, soi đường, hun đúc ý chí, thúc giục các thế hệ hôm nay phải nỗ lực nhiều hơn, để thực hiện trọn vẹn mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới, bằng những hành động cụ thể, thiết thực. 

Điều đó được thể hiện qua hình ảnh, cả dân tộc bước vào cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 “chống dịch như chống giặc” với niềm tự hào về đất nước, niềm tin tất thắng của dân tộc Việt Nam anh hùng, về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại. Mỗi người Việt Nam đều nêu cao tinh thần trách nhiệm của công dân trước Tổ quốc thân yêu, hàng vạn cán bộ, y, bác sỹ, nhân viên y tế, lực lượng vũ trang, tình nguyện viên… xung kích, tiên phong trên tuyến đầu chống dịch, hết chi viện cho tâm dịch Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bắc Giang, giờ đây đang căng mình chiến đấu chống dịch ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Họ là thế hệ đã và đang viết tiếp trang sử vàng “Lời thề giữ nước” trong Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh lên tầm cao mới, bằng chính sự hy sinh “vì nước quên thân, vì dân phục vụ” của mình. Mỗi chuyến xe chở cán bộ, y, bác sỹ, nhân viên y tế vào tâm dịch, đồng nghĩa với nguy cơ bị lây nhiễm dịch bệnh rất cao, song họ vẫn “vững tay súng”, “vững trận địa” trên mặt trận chiến đấu chống dịch bệnh. Có được điều đó là xuất phát từ tinh thần quả cảm, từ ý thức, trách nhiệm cao với công việc, từ tinh thần “lương y như từ mẫu”, “quân với dân như cá với nước”, “vì nhân dân quên mình”…
 
Các chiến sỹ Quân y xếp hàng lên máy bay ở Sân bay Nội Bài để vào miền Nam chống dịch.
 
Hình ảnh những chuyến xe chở cán bộ, y, bác sỹ, chiến sỹ tiến vào vùng tâm dịch làm chúng ta bồi hồi nhớ lại những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn cam go, ác liệt, thanh niên miền Bắc đã viết huyết thư để được vào Nam chiến đấu, trong đó phải kể đến hơn 10.000 sinh viên các trường đại học ở Hà Nội lên đường nhập ngũ. Có nhiều người mới học xong năm thứ nhất, nhưng cũng có người sắp tốt nghiệp, chuẩn bị đi tu nghiệp nước ngoài... Vậy mà, tất cả vì miền Nam ruột thịt, họ sẵn sàng để lại sau lưng tất cả, lên đường chia lửa cùng miền Nam, thực hiện khát vọng hòa bình, độc lập, tự do của dân tộc. Nói về lớp sinh viên ngày ấy, cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Tổ quốc ghi công lớp lớp thầy giáo, sinh viên đã xếp bút nghiên lên đường chiến đấu và đóng góp xứng đáng vào chiến thắng của dân tộc. Tinh thần yêu nước mãi mãi là ngọn lửa soi sáng các thế hệ thanh niên Việt Nam trong sự nghiệp phát triển đất nước trở thành quốc gia giàu mạnh, hòa bình và hạnh phúc”. 

Ngày 31-8 vừa qua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu khẩn trương phát hiện, đề xuất khen thưởng kịp thời cho những thành tích tiêu biểu, xuất sắc, nhất là những tấm gương hy sinh quên mình trong công tác phòng, chống dịch bệnh, kể cả những tình nguyện viên và người làm công tác thiện nguyện đang ngày đêm cùng với người dân chống chọi lại bệnh dịch COVID-19. Họ xứng đáng được vinh danh, ghi công khi sẵn sàng bất chấp hiểm nguy vì sức khỏe, tính mạng của người dân và vì một đất nước Việt Nam sớm trở lại trạng thái bình thường để phát triển kinh tế - xã hội.

76 năm đã trôi qua, “Lời thề giữ nước” trong Tuyên ngôn độc lập năm 1945 vẫn vang vọng, không chỉ tuyên bố với thế giới về nền độc lập của nước Việt Nam, mà còn khẳng định ý chí sắt đá của dân tộc Việt Nam kiên quyết bảo vệ nền độc lập đó. Tinh thần và khí phách dân tộc kết tinh trong “Lời thề giữ nước” mãi mãi là kim chỉ nam cho các thế hệ Việt Nam hôm nay và mai sau thể hiện trong trách thiêng liêng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Kế thừa và phát huy tinh thần và khí phách ấy, tại Đại hội XIII, Đảng ta khẳng định: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển”(4). Đây cũng chính là vấn đề cốt lõi để Đảng và nhân ta tiếp tục thực hiện khát vọng Việt Nam hùng cường.


-------------

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.2011, tập 4, tr.3.
(2) Văn kiện Đảng toàn tập, NXB CTQG, H.2005, tập 43, tr.57.
(3) Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội lần thứ XIII của Đảng, ngày 26-1-2021.
(4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB CTQG, H.2021, tập 1.tr.156, 157.
ST