Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ

Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước là một trong những điểm mới của Đại hội XIII của Đảng và được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định tại phiên khai mạc Đại hội: “Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”(1). Đây là sự vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh để xây dựng đất nước trong bối cảnh mới và cũng là cách để Đảng, nhân dân ta quyết tâm thực hiện khát vọng và tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc. Khát vọng phát triển đất nước được tiếp nối từ khát vọng giải phóng dân tộc, dựa trên cơ sở những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử qua 35 năm đổi mới; bản lĩnh và những kinh nghiệm dày dạn mà Đảng ta, nhân dân ta đã kiểm nghiệm, đúc kết trong thực tiễn xây dựng, phát triển đất nước những năm qua.

Tại Đại hội XIII của Đảng, khát vọng phát triển đất nước không chỉ là một trong những yếu tố quan trọng làm nên chủ đề của Đại hội, mà còn được cụ thể hóa bằng các mục tiêu hết sức cụ thể trong các văn kiện; điều đó thể hiện rõ quyết tâm nhưng cũng đòi hỏi sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị trong quá trình hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội.

Đối với phụ nữ và công tác phụ nữ, Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ: “Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Tăng cường các chương trình phát triển, hỗ trợ cập nhật tri thức, kỹ năng cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới. Kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật các tệ nạn xã hội, các hành vi bạo lực, mua bán, xâm hại phụ nữ, trẻ em”(2). Đây chính là sự tiếp nối, phát triển quan điểm của Đảng về phụ nữ và công tác phụ nữ trong các kỳ đại hội trước, thể hiện rõ sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước đối với lực lượng đã từng được Bác Hồ khen ngợi: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”(3); đồng thời, cũng khẳng định sự quan tâm, trách nhiệm cũng như những nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đặt ra để giải quyết các vấn đề về công tác phụ nữ trong giai đoạn hiện nay.

Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc không thể không bao hàm khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ; bởi lẽ, phụ nữ chiếm hơn một nửa dân số và gần một nửa lực lượng lao động cả nước, có mặt trong tất cả các lĩnh vực, ngành, nghề, khắp các vùng, miền của Tổ quốc. Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, phụ nữ Việt Nam đã có những cống hiến, đóng góp to lớn, góp phần xây dựng và bảo vệ non sông gấm vóc của Tổ quốc, tạo dựng nên truyền thống vẻ vang: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.

Phát huy cao độ truyền thống yêu nước và cách mạng của các thế hệ đi trước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm, tạo điều kiện của Chính phủ, chính quyền các cấp, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội, các tầng lớp phụ nữ Việt Nam tiếp tục đóng góp xứng đáng vào thành tựu đổi mới và phát triển đất nước. Phụ nữ ngày càng thể hiện rõ ý thức, trách nhiệm công dân, tự tin, chủ động tham gia các hoạt động xã hội, lan tỏa tinh thần nhân ái trong các hoạt động thiện nguyện, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, đạt nhiều thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; đồng thời, làm tốt vai trò người vợ, người mẹ, người thày đầu tiên, là điểm tựa tinh thần vững chắc, gắn kết các thành viên trong gia đình, cùng chung tay chăm lo xây dựng gia đình hạnh phúc.

Bước vào thời kỳ đổi mới, phụ nữ Việt Nam có nhiều cơ hội để hiện thực hóa khát vọng phát triển nhưng cũng đứng trước không ít khó khăn, thách thức, như vấn đề việc làm trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường đến cuộc sống, sinh kế của người dân; xu hướng di cư lao động tiềm ẩn nhiều hệ lụy tiêu cực đối với cuộc sống hôn nhân, gia đình; tình hình tội phạm liên quan đến phụ nữ, trẻ em ngày càng phức tạp, đa dạng, tinh vi; những tác động tiêu cực của mạng xã hội gây khó khăn cho giáo dục và định hướng giáo dục nhân cách, nhất là đối với trẻ em.

Với vai trò là tổ chức đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, những năm qua, các cấp hội đã nỗ lực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, lấy nhu cầu thiết thân của phụ nữ làm cơ sở để xác định nội dung, hình thức hoạt động; mở rộng kết nối, tăng cường ảnh hưởng đối với phụ nữ và xã hội, đề cao tính chủ động, trách nhiệm của từng cấp và người đứng đầu trong công tác phụ nữ. Các hoạt động chăm lo, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc tiếp tục được đổi mới và đạt được nhiều kết quả quan trọng; vai trò chủ thể của phụ nữ trong gia đình và xã hội được nâng cao. Đặc biệt, các cấp hội quan tâm tuyên truyền, vận động phụ nữ phát huy truyền thống tốt đẹp, rèn luyện và lan tỏa những phẩm chất đạo đức “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” của phụ nữ Việt Nam; khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực trong giải quyết những vấn đề của chính mình và gia đình, tham gia ngày càng tích cực, hiệu quả vào công cuộc phát triển của địa phương, đất nước.

Phát huy vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam luôn đồng hành, hỗ trợ các tầng lớp phụ nữ, nhất là phụ nữ nghèo, phụ nữ yếu thế, phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số có cơ hội vươn lên. Thông qua việc phát động các tầng lớp phụ nữ thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và hai cuộc vận động: “Rèn luyện phẩm chất đạo đức: tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”,“Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, các chương trình, đề án, nhiệm vụ hoạt động hội đã hỗ trợ, động viên, khuyến khích các tầng lớp, các nhóm phụ nữ vươn lên trong cuộc sống, phát huy sức sáng tạo, góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội trong bối cảnh mới.

Năm năm qua, với những nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ, phụ nữ Việt Nam đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận trong các phong trào thi đua. Thực hiện nội dung “tích cực học tập”, các tầng lớp phụ nữ đã chủ động, nỗ lực học tập nâng cao kiến thức, kỹ năng để áp dụng trong công việc và đời sống. Tỷ lệ biết chữ của nữ trong độ tuổi 15  - 60 đạt 97,33%; tỷ lệ nữ là người dân tộc thiểu số biết chữ trong độ tuổi 15 - 60 đạt 92,58%(4). Tỷ lệ  lao động nữ nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật đạt 17,38%. Đội ngũ nữ trí thức ngày càng đông đảo, tỷ lệ nữ có học vị thạc sĩ đạt 44,2%, có học vị tiến sĩ đạt 28%; có 753 người được phong chức danh giáo sư, phó giáo sư. Phụ nữ làm chủ nhiệm 334 đề tài khoa học cấp quốc gia trong tổng số 1.361 đề tài, chiếm 24,5% (tăng 8,23% so với năm 2015). Điển hình như GS, TS. Nguyễn Thị Lang, Viện Nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao đồng bằng sông Cửu Long, trong 5 năm đã cùng đồng nghiệp tạo ra 30 giống lúa mới đạt chuẩn xuất khẩu, từ 55 đề tài nghiên cứu trong và ngoài nước, với 69 công trình khoa học; chuyển giao các cây ăn trái, cây màu cho các tỉnh, giảng dạy tại 7 trường đại học, hướng dẫn 10 nghiên cứu sinh và 25 học viên cao học. GS, TS. Nguyễn Thị Lang cũng vinh dự được nhận Giải thưởng Trần Đại Nghĩa do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trao tặng. Đại úy Đinh Thị Thu Hằng, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Phụ nữ Khối cơ quan Học viện Quân y, Viện Nghiên cứu Y Dược học Quân sự, Học viện Quân y là chủ nhiệm, thư ký khoa học, thành viên nghiên cứu chủ chốt thực hiện 4 đề tài cấp quốc gia, 2 đề tài cấp bộ, 1 đề tài cấp cơ sở, công bố hơn 30 bài báo khoa học (trong đó có 5 bài báo công bố trên tạp chí quốc tế); tham gia xây dựng thuyết minh và thực hiện chính đề tài độc lập cấp quốc gia “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và Real-time RT-PCR phát hiện chủng vi rút corona mới 2019 (2019-nCoV)”, sau hơn 1 tháng đã có sản phẩm phục vụ phòng, chống dịch - đây là bộ sinh phẩm phát hiện SARS-CoV-2 đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép lưu hành (ngày 4-3-2020). Bộ sinh phẩm không chỉ củng cố niềm tin của xã hội vào sự chỉ đạo của Chính phủ và các nhà khoa học Việt Nam trong phòng, chống dịch bệnh COVID- 19, mà còn góp phần xây dựng thương hiệu Việt Nam trên bản đồ khoa học - công nghệ quốc tế.

Đã có rất nhiều phụ nữ, nữ sinh viên xuất sắc trên mọi lĩnh vực của đất nước được tôn vinh, ghi nhận qua các giải thưởng trong nước và quốc tế. Trong đó, riêng Giải thưởng Kovalevskaya, một giải thưởng do vợ chồng GS, TS. Ann Koblitz (người Mỹ) sáng lập mang tên nhà nữ toán học Nga, tại nước ta do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức, đã tôn vinh 20 tập thể nữ và 49 cá nhân các nhà khoa học nữ có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào thực tiễn cuộc sống, đem lại nhiều lợi ích trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Giải thưởng cũng trao học bổng cho 8 sinh viên nữ để khuyến khích các em nghiên cứu khoa học. Đã có 80 tập thể và 144 cá nhân được nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam - một giải thưởng quốc gia danh giá, tôn vinh những tập thể và cá nhân tiêu biểu xuất sắc trên mọi lĩnh vực của cuộc sống. Những người phụ nữ ấy chính là những nhân tố tích cực của phong trào thi đua yêu nước, tiếp tục là tấm gương, nguồn cảm hứng cho đồng nghiệp, cộng đồng dân cư nơi sinh sống cũng như cho hàng triệu phụ nữ Việt Nam trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Thời gian qua, với tinh thần hăng hái thi đua, nhiều phụ nữ nỗ lực cống hiến và đạt được nhiều danh hiệu cao quý; đã có 60 người được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”, 7 nhà giáo nhân dân, 426 nhà giáo ưu tú, 19 thầy thuốc nhân dân, 520 thầy thuốc ưu tú, 64 nghệ sĩ nhân dân, 255 nghệ sĩ ưu tú và nhiều huy chương trong thi đấu thể thao.

Bên cạnh thành tích trong các phong trào thi đua, việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị, “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, được phụ nữ cả nước nhiệt tình hưởng ứng, nhất là học tập, làm theo Bác trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong 3 năm gần đây, đã có 11 triệu phụ nữ tham gia thực hiện tiết kiệm, huy động được 8,6 nghìn tỷ đồng, cho trên 1,2 triệu lượt phụ nữ vay vốn sản xuất, kinh doanh hoặc mua bảo hiểm y tế, xây dựng công trình vệ sinh, cải thiện nhà ở. Nhiều tấm gương điển hình trong học tập và làm theo Bác(5).

Cũng trong 5 năm qua, đã có trên 19 nghìn cá nhân, tập thể phụ nữ điển hình tiên tiến được biểu dương trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và rèn luyện phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”.

Có thể khẳng định, phụ nữ Việt Nam luôn có ý thức giữ gìn, phát huy truyền thống của dân tộc, chủ động, sáng tạo hưởng ứng các phong trào thi đua của đất nước và của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, chăm lo, vun đắp hạnh phúc gia đình, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Họ càng ngày càng có vai trò, vị thế quan trọng, tham gia tích cực trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, ngay cả những lĩnh vực mà lâu nay vẫn được coi là lãnh địa của nam giới, như khoa học - kỹ thuật, thể thao thành tích cao, tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc,... Với vai trò là tổ chức đại diện, các cấp hội quyết tâm phấn đấu đoàn kết, vừa đồng hành, vừa hỗ trợ để phụ nữ phát huy thế mạnh của mình, thực hiện khát vọng vươn lên trong hành trình thực hiện khát vọng phát triển đất nước của cả dân tộc, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Hiện thực hóa khát vọng phát triển của các tầng lớp phụ nữ trong giai đoạn mới

Hiện nay, các cấp hội đang tích cực chuẩn bị cho đại hội phụ nữ các cấp, nhiệm kỳ 2021  - 2026, tiến tới Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII vào năm 2022. Trong quá trình chuẩn bị Đại hội, cán bộ, hội viên, phụ nữ Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước sẽ thảo luận dân chủ, rộng rãi để xác định mục tiêu các phong trào thi đua, cuộc vận động, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong công tác phụ nữ, phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng cũng như chuyển đổi sang nền kinh tế số. Dù là phong trào hay cuộc vận động nào cũng đều là sự đồng hành của tổ chức hội để hỗ trợ, hướng dẫn và tiếp tục khơi dậy khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam trong hành trình thực hiện khát vọng phát triển đất nước hùng cường. Các cấp hội sẽ tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác chỉ đạo các hoạt động vì sự an toàn cho phụ nữ và trẻ em, mang đến niềm vui, niềm hạnh phúc cho mỗi phụ nữ, trẻ em và mỗi gia đình; đồng thời, góp phần thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, chăm lo cuộc sống của người dân và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Để thực hiện được sứ mệnh ấy, trước hết, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nghiêm túc quán triệt sâu sắc những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tới cán bộ, hội viên và các tầng lớp phụ nữ cả nước; cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội vào nội dung văn kiện đại hội phụ nữ các cấp; tập trung xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết với những biện pháp cụ thể để đưa tư tưởng, quan điểm, chủ trương của Đảng vào cuộc sống; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục các tầng lớp phụ nữ thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy sức mạnh, thế mạnh của phụ nữ trên tất cả các lĩnh vực; đồng thời, chăm lo bảo vệ phẩm giá, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ.

Hai là, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ tiếp tục tổ chức và nâng cao chất lượng, tính thiết thực, hiệu quả các phong trào thi đua, các cuộc vận động để thu hút đông đảo các tầng lớp phụ nữ tham gia, đóng góp công sức xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, cũng như chủ động giải quyết những vấn đề của chính phụ nữ ngay từ cơ sở.

Ba là, tiếp tục làm tốt việc tổ chức, hướng dẫn, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc; thúc đẩy các hoạt động trao quyền năng cho phụ nữ, nhất là trong lĩnh vực kinh tế; thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, kinh doanh của phụ nữ trong kỷ nguyên số; phối hợp thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đặc biệt là nguồn nhân lực nữ chất lượng cao.

Bốn là, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để xây dựng người phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thể chất, tinh thần, năng lực sáng tạo, ý thức công dân; đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng. Tập trung bồi dưỡng, giáo dục, động viên hội viên, các tầng lớp phụ nữ phát huy quyền làm chủ, tích cực thực hiện có hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, tham gia các hoạt động chính trị - xã hội với đầy đủ trách nhiệm của người làm chủ.

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ hội các cấp, đáp ứng yêu cầu công tác hội trong giai đoạn mới phù hợp với yêu cầu của chủ trương về tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Xây dựng đội ngũ cán bộ hội có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, có tư duy sáng tạo, nhiệt tình, tâm huyết với công tác hội; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; đổi mới trong phương pháp vận động phụ nữ. Kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, lựa chọn giới thiệu những người có đủ tiêu chuẩn tham gia các cấp ủy đảng, chính quyền và các ban, bộ, ngành từ Trung ương đến cơ sở, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Năm là, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư để củng cố tổ chức hội thực sự vững mạnh, phát huy đầy đủ vai trò nòng cốt trong công tác vận động phụ nữ. Đa dạng hóa nội dung hoạt động nhằm đáp ứng một cách thiết thực, hiệu quả nhu cầu của các tầng lớp phụ nữ. Hướng mạnh hoạt động về cơ sở, khu dân cư; cải tiến công tác chỉ đạo, điều hành; xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm của từng thời kỳ, tập trung chỉ đạo quyết liệt, tạo hiệu quả rõ rệt, tránh hình thức, phô trương, hành chính hóa trong hoạt động của tổ chức hội. Lấy hạnh phúc và lợi ích của phụ nữ làm mục tiêu; lấy sự hài lòng của phụ nữ làm thước đo chất lượng, hiệu quả hoạt động của hội. Đây là cách tốt nhất để “Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, góp phần thực hiện thành công mục tiêu xây dựng đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc./.

----------------------------------

(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 34
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tlđd, t. I, tr. 169
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 7, tr. 340
(4) Xem: Báo cáo số 362/BC-CP, ngày 10-8-2020, của Chính phủ, về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2019 và giai đoạn 2011 – 2020
(5) Ví như: chị Hoàng Thị Hương, giáo viên trường Mầm non Hương Liên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh đã 23 năm tình nguyện ở lại bản Rào Tre - nơi vùng sâu khó khăn nhất của tỉnh Hà Tĩnh để dạy học cho con em đồng bào dân tộc Chứt; chị cũng đã kiên trì vận động được 100% số trẻ đến trường. Chị Nguyễn Thị Vân Anh, phóng viên kiêm biên tập viên, Kênh VTC14, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC - Đài Tiếng nói Việt Nam chuyên theo dõi mảng y tế, năm 2020 đã trực tiếp tác nghiệp tại các vùng dịch, bệnh viện biên giới... đưa tin, bài tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Trung tá Vũ Thị Hoàng Yến, Chủ tịch Hội Phụ nữ Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Công an thành phố Hà Nội trực tiếp trinh sát, chỉ huy công tác trinh sát, phát hiện, tham mưu đấu tranh, xử lý 1.200 vụ việc, chuyên án vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; xử phạt, đề nghị truy thu thuế trên 120 tỷ đồng; đấu tranh, phá thành công 4 chuyên án. Chị Võ Thị Sánh, Phó Bí thư chi bộ ấp 4 (xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) đã vận động phụ nữ thành lập 4 tổ tiết kiệm, 1 tổ “hũ gạo tình thương”, 1 mô hình tiết kiệm điện, mỗi năm tiết kiệm 1.050kw điện

Sưu tầm