Tàu Admiral Latouche-Tréville, con tàu đã đưa người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước (Ảnh tư liệu).

Ý chí quyết định đi ra nước ngoài tự mình tìm con đường cứu nước, cứu dân đã hình thành trong tư tưởng của người thiếu niên yêu nước Nguyễn Tất Thành. Năm 1905, Nguyễn Tất Thành được cha là ông Nguyễn Sinh Huy (tức ông Nguyễn Sinh Sắc) xin cho theo học lớp dự bị Trường Tiểu học Pháp - Việt ở Vinh. Tại ngôi trường này, lần đầu tiên Nguyễn Tất Thành được tiếp xúc với khẩu hiệu “Tự do - Bình đẳng - Bác ái” và tìm thấy sức hấp dẫn của những mỹ từ đó mà người Pháp đã tuyên truyền. Đi đâu, đến nước nào để tìm con đường cứu nước, cứu dân là những câu hỏi luôn đau đáu trong suy nghĩ của Nguyễn Tất Thành. Và Người đã tìm được câu hỏi trả lời từ chính trong cuộc sống xã hội mà Người đã trải qua. Người muốn tìm hiểu xem cái gì ẩn giấu đằng sau nhiều mỹ từ ấy. Người đã nung nấu ý chí ra nước ngoài, xem nước Pháp và các nước khác làm ăn ra sao, nhất là xem họ “tổ chức và cai trị như thế nào” rồi sẽ về giúp dân, giúp nước. Độc lập cho Tổ quốc, tự do, dân chủ và hạnh phúc cho Nhân dân là mục đích, là “ham muốn tột bậc” của Người, là nguồn gốc và động lực sâu xa để ngày 5-6-1911 người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời Sài Gòn ra nước ngoài, thực hiện cuộc hành trình vĩ đại tìm đường cứu nước, cứu dân.

Ngày 5-6-1911, Nguyễn Tất Thành đã lên tàu Admiral Latouche-Tréville rời Sài Gòn đi Mác-xây (Pháp). Người đã đi nhiều nước, tiếp xúc nhiều nền văn hóa ở nhiều quốc gia, dân tộc khác nhau. Đi đến đâu Người cũng hòa mình vào phong trào quần chúng nhân dân lao động, chứng kiến nhiều cảnh người nô lệ, hiểu rõ bản chất của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc thực dân và nhận ra đâu là bạn, đâu là thù.

Trong suốt cuộc hành trình tìm đường cứu nước, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã trải qua gần 30 quốc gia của 4 châu lục, phải làm rất nhiều nghề cực nhọc khác nhau để kiếm sống, Người đã luôn tự học tập, học hỏi trong bất cứ hoàn cảnh nào và luôn quan sát, độc lập suy nghĩ để tìm ra lời giải cho riêng mình. Hành trình tìm đường cứu nước của Người có những đặc điểm riêng biệt khác với các thế hệ tiền bối và cũng tạo lập ra những nét đặc sắc riêng trong nhận thức, tư tưởng so với các thanh niên, trí thức du học phương Tây cùng thời.

Với hành trang là chủ nghĩa yêu nước - nhân văn Việt Nam và khát vọng giành độc lập cho Tổ quốc, tự do cho đồng bào, trải qua thực tiễn học tập, nghiên cứu kinh nghiệm đấu tranh cách mạng phong phú ở nhiều nước, Người đã nhận thấy vấn đề giải phóng dân tộc và giải phóng con người là một nhu cầu tất yếu và cấp thiết không chỉ ở Việt Nam mà với tất cả các dân tộc thuộc địa và nhân dân lao động bị áp bức trên trên toàn thế giới.

Tháng 7-1920, Người được đọc bản sơ thảo lần thứ nhất những luận cương của V.I.Lê-nin về vấn đề dân tộc và thuộc địa đăng trên báo Nhân đạo (Pháp). Người lập tức đã bị cuốn hút và đã đọc đi, đọc lại nhiều lần. Qua lăng kính của chủ nghĩa yêu nước chân chính, Người đã tìm thấy ở đó con đường đúng đắn giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân. Đây là sự kiện mang tính bước ngoặt trong đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc vì nó đã đáp ứng nhu cầu bức thiết của lịch sử và Người đã vượt qua sự hạn chế về tư tưởng của các sĩ phu phong kiến và các nhà hoạt động cách mạng có xu hướng tư sản đương thời.

Nhiều nhà nghiên cứu Hồ Chí Minh đều có chung quan điểm, một trong những điểm nổi trội và độc đáo nhất của Người so với nhiều danh nhân văn hóa khác trên thế giới là ở chỗ Người đánh giá cao chủ nghĩa dân tộc. Hồ Chí Minh luôn coi chủ nghĩa dân tộc là động lực của đất nước. Chủ nghĩa dân tộc Việt Nam được sinh ra từ lòng yêu nước muôn đời, rồi qua hàng ngàn năm thử thách, kết tinh thành chủ nghĩa yêu nước, trở thành một văn hóa vĩnh hằng của dân tộc.

Từ tình thương yêu con người đã trở thành khát vọng giải phóng con người, Nguyễn Ái Quốc luôn nung nấu và theo đuổi ý chí tìm đường giải phóng không chỉ cho dân tộc mình mà còn với mọi tầng lớp cùng khổ trên khắp các châu lục. Từ chủ nghĩa yêu nước dân tộc chân chính, Nguyễn Ái Quốc đã đến với Chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ nghĩa cộng sản.

Xác định con đường của cách mạng Việt Nam đi theo Chủ nghĩa Mác - Lênin là điểm khác về chất của Người so với nhiều nhân vật yêu nước cùng thời. Khi nước nhà mất độc lập cũng là truyền thống yêu nước có điều kiện thể hiện rõ ràng nhất, sinh động nhất, nhưng yêu nước nhiệt thành thì không chỉ có duy nhất là Nguyễn Ái Quốc. Có chí lớn đánh đuổi giặc ngoại xâm, lấy lại đà chấn hưng cho dân tộc Việt Nam không phải chỉ có riêng ở Người. Bằng sự dấn thân và trải nghiệm của cá nhân Người, Người đã khước từ phong trào Đông Du, Duy Tân để tìm thấy ở Chủ nghĩa Mác- Lênin con đường cứu nước và con đường phát triển cho dân tộc một cách đúng đắn.

Với ý chí kiên cường và nghị lực phi thường, sau 30 năm bôn ba vất vả để tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã tìm được đường đi cho dân tộc theo đi, Người đã về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Từ một nước thuộc địa nửa thuộc địa không có tên trên bản đồ thế giới, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Người sáng lập và rèn luyện, dân tộc Việt Nam đã đứng lên làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám mùa Thu 1945, nở hoa, độc lập, kết trái tự do, làm nên thắng lợi của 2 cuộc khámg chiến trường chinh chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, giành độc lập cho dân tộc, thống nhất non sông.

Thắng lợi của cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ của lịch sử đã là thực tiễn sinh động minh chứng hùng hồn con đường mà Nguyễn Ái Quốc tìm ra, giới thiệu cho lịch sử và để lịch sử lựa chọn là hoàn toàn đúng đắn. Lịch sử đã chứng minh một cách rõ ràng tính cách mạng và khoa học con đường mà Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy không chỉ đã khai thông sự bế tắc đường lối giải phóng dân tộc mà còn giải quyết đúng đắn, sáng tạo và lãnh đạo thực hiện thắng lợi các vấn đề trọng yếu nhất của cách mạng Việt Nam. Sứ mệnh lịch sử của dân tộc Việt Nam đã trao cho Người với trách nhiệm là người tìm đường, người mở đường và là người dẫn đường cho sự phát triển của dân tộc Việt Nam sau nhiều phen sóng gió, thăng trầm của lịch sử.

Tròn 110 năm (5-6-1911 - 5-6-2021) Ngày người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh rời Sài Gòn ra nước ngoài thực hiện cuộc hành trình vĩ đại mang tầm thời đại: cứu nước, cứu dân. Lịch sử ngày càng lùi xa nhưng với tất cả những cống hiến lớn lao của Người trong hành trình đặc biệt đó vì nước, vì dân đã trở thành một tài sản tinh thần to lớn và vô giá của dân tộc Việt Nam.

Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, lịch sử đã đặt ra cho dân tộc hai nhiệm vụ cấp bách cần phải giải quyết là đánh đuổi thực dân Pháp để giành lại độc lập cho dân tộc và canh tân đất nước. Hai nhiệm vụ này gắn bó chặt chẽ với nhau, quan hệ biện chứng và hỗ trợ cho nhau không thể tách rời. Tuy nhiên, trong quan hệ giữa 2 vấn đề này thì giải phóng dân tộc trở thành nhiệm vụ cấp bách, phát triển đất nước là nội dung quan trọng nhưng mục tiêu này chỉ có thể được thực hiện có hiệu quả khi dân tộc được giải phóng, đất nước được độc lập, nhân dân được tự do. Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đó có công lao vô cùng to lớn trong việc tìm ra con đường giải phóng dân tộc khỏi sự thống trị của chủ nghĩa thực dân.

Trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhân dân Việt Nam kiên trì, kiên định con đường Người đã tìm ra và lựa chọn, ra sức vận dụng sáng tạo tư tưởng của Người để đưa sự nghiệp cách mạng của Người để lại vươn những tầm cao mới, thực hiện mong muốn cuối cùng của Người là “đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

(Sưu tầm)